Tag Archives: 2011

[Dự báo] Tình hình bất động sản Hà Nội 2011

Trên các phương tiện thông tin đầu năm 2011 đã có nhiều bài đăng ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với các nhìn nhận thận trọng, ý kiến đôi khi nước đôi, không có quan điểm rõ ràng. EZConsulting Vietnam xin giới thiệu một bài viết của ông Trương Trung Hưng, một người am hiểu thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường Hà Nội dưới góc độ một nhà đầu tư thực. Bài viết gốc cũng như các bài khác của cùng tác giả được đăng tại trang cá nhân của tác giả ở đây.

Năm 2010 đã kết thúc với thị trường bất đống sản với một kết quả rất khả quan , các khu dân cư mới được hưởng các yếu tố qui hoạch phục vụ 1000 năm Thăng Long đã có mức độ tăng đáng kể nhất từ trước tới nay, có nơi tăng đến 100%. Các khu đất thổ cư, vành đai tăng đến 200%. Tính thanh khoản được cải thiện trên toàn bộ các phân khúc như nhà liền kề đô thị mới, chung cư trung cấp và giá rẻ, nhà phố thương mại trong các quận trung tâm. Với mặt bằng giá cực kỳ cao so với các thành phố khác cũng như so với thế giới, giá nhà đất Hà Nội vẫn tăng và vẫn thanh khoản được là hết sức kỳ lạ, tuy nhiên điều kỳ lạ này có thể diễn giả được bằng một hiện tượng gọi là bong bóng do tâm lý.

Quí 3 năm 2010, trước sự diễn biến hết sức phức tạp của giá vàng và usd đã châm ngòi cho một tâm lý lo sợ trước sự mất giá của VND. Đã có rất nhiều người sở hữu tiền mặt sợ rằng đồng tiền VN có khả năng mất giá mạnh nên có xu hướng cơ cấu tiền vào tài sản cố định nhằm bảo vệ tài sản. Sự dịch chuyển mạnh của dòng tiền cộng hưởng với cơ sở hạ tầng 1000 năm Thăng Long đã hút vào thị trường bđs một lượng tài chính đáng kể. Vòng quay của tiền tệ trong bất động sản bắt đầu và với nguồn cung hạn hẹp của thị trường HN đã tạo thành một bong bóng bđs. Bong bóng này đã được thổi khá căng và có thể nói đã đạt đỉnh. Giá cả đã đạt đến mức mà theo tôi, việc đầu tư có thể dẫn đến sự nguy hiểm do nguy cơ đóng băng dài hạn của thị trường nếu sự kỳ vọng về việc mất giá mạnh của VND không xảy ra.

Một nguyên nhân khác dẫn tới sự suy yếu của thị trường là do năm tới, lượng tiền hút vào của các dự án đang xây dựng là cực kỳ lớn . Nếu tổng lượng tiền của các dự án đang cần để triển khai mà lớn hơn tổng lượng đầu tư của các nhà đầu tư cuối cùng trên thị trường thì sẽ có thể xảy ra tình trạng hạ giá để tạo thanh khoản. Nhưng với đặc điểm của thị trường bất động sản của VN là đầu cơ giá lên, việc hạ giá của các sản phẩm bất động sản sẽ làm cho đại bộ phận các nhà đầu cơ rời khỏi thị trường. Bên cạnh đó các nhà đầu tư trót đi theo các dự án sẽ phải đi tìm các nguồn vốn từ ngân hàng để tài trợ cho các dự án khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy mệt mỏi và bán tháo. Điều này có khả năng xảy ra vào quí 2 và quí 3 – 2011.

Có thể nói 2011 sẽ là năm không thuận lợi cho thị trường bất động sản HN như mọi người đang kỳ vọng. Sẽ phải mất một chu kỳ 2 năm để lại có một sự tích lũy mới, và hy vọng sẽ có một sự phục hồi vào cuối 2012 khi qui mô nền kinh tế tăng lên, sức tích lũy của người dân được cải thiện và đông tiền VN có một sự trượt giá khoảng 25-30% giúp cho giá bất động sản và tích lũy của người dân trở về trạng thái cân bằng.